Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Để "Học Giỏi" ở Việt Nam

Cái hồi còn đi học cấp II, thằng bạn chơi với mình hồi cấp I học Ngô Sĩ Liên lớp nó thì 36/42 là học sinh giỏi, còn lại là khá, điểm cao chót vót. Hồi đó ngưỡng mộ lắm, vì lớp mình lèo tèo được có vài mạng là học sinh giỏi thôi, nhớ khong nhầm thì chỉ được khoảng 5,6 mạng trong số gần 50 mạng.
Nhưng dần dần, càng lớn, mình càng thấy là cái việc học giỏi đó...không nói lên điều gì lắm. Cái lớp cấp II ngày nào chẳng có đứa nào học thật sự giỏi, nhưng từ cái thời mà máy tính có đĩa mềm 1,34 MB đã là hoành tráng thì bọn nó tìm tới đồ họa và lập trình, thằng học không giỏi thì có cái tư tưởng muốn nhập ngũ vì ở nhà thấy vô dụng quá, học hành không ổn, mà học thì chẳng biết học môn đó xong thì làm gì với nó. Hồi đó mình lại nằm trong top học hành, chỉ biết cắm mặt vào học hành thôi chả biết gì.


Lên cấp III, thi được vào trường trong TOP của cái quận Hoàn Kiếm, tự hào ghê lắm, mặt vênh lên ghê lắm. Có cái đứa cùng xóm suốt ngày bị bố mẹ nó lôi ra so sánh, cuối cùng thì cũng hơn nó rồi. Khi mới thi từ cấp II lên cấp III xong, mình thì không tự tin lắm về bài làm còn nó thì kinh lắm, làm được hết, chỉ bỏ lại câu nửa điểm, mà câu đó bố nó nhờ cả ông anh Đại Học nào đó giải thử cũng không giải được. Trong khi mình kể thằng Ngô Đức bạn mình làm được câu đó trong nửa nốt nhạc thì bị ông ý khinh cho, kêu thằng bạn mình không biết là giáo sư hay tiến sỹ mà giải được cái bài mà dân Đại Học còn bó tay. Sau lớn mới biết, bọn học Đại Học thật ra éo biết gì thì giải thế éo nào được. Theo dự đoán thì chính vì 2 vợ chồng nhà cái con mụ ấy cứ lải nhải về việc này nên mama mới bị ù tai vì bức xúc quá mà không nói được.
Về sau mình thì đỗ, còn nó thì tạch. Mặt mình vênh lắm, nhưng sau lớn rồi mới biết. Chả để làm gì ngoài việc giải quyết khâu "OAI", mà ra cái vẻ oai với ai, để làm gì đâu, sau vẫn giao tiếp kém, thiết lập và giữ các mối quan hệ xã hội tệ vô cùng, kỹ năng mềm thì yếu....haizzzz
Vậy nên, có 5 lý do để phản đối việc học giỏi ở Việt Nam:
1. Để học giỏi ở Việt Nam cần phải tốn quá nhiều thời gian cho việc học, học trên lớp, học ở nhà, học thêm, học phụ đạo……trong khi một ngày mãi mãi cũng chỉ có 24 giờ do đó, thời gian dành cho những thói quen lành mạnh như chơi thể thao, thư giãn rèn luyện thân thể không có nhiều và càng học lên cao càng bị cắt ngắn, dẫn đến nguy cơ lâu dài: sức khoẻ yếu. Sức khoẻ yếu, học giỏi vô nghĩa!

2. Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải “học đều” – một khái niệm đặc sản nhưng không hề thơm ngon của nền giáo dục Việt Nam, tức là phải học giỏi tất cả các môn, đầu tư thời gian dàn trải để giỏi tất cả các môn đồng nghĩa là rất khó cho bạn để có chặng nghỉ nghĩ về những gì mình yêu thích nhất và có tiềm năng phát triển nhất. Rất nhiều học sinh giỏi cái gì cũng giỏi nhưng chẳng thật sự giỏi cái gì. Rất nhiều học sinh khi được hỏi “Em thích làm gì nhất?”, trả lời “Em không biết.” Một hành trang quá cồng kềnh và bị nhồi nhét chỉ làm cho cuộc hành trình của bạn thêm mệt mỏi. Hãy biết chọn lọc!

3. Để hoc giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải hấp thụ rất nhiều kiến thức bạn học xong không biết để làm gì? Không là kỹ sư, không theo nghiệp kỹ thuật, bạn sử dụng đạo hàm, sử dụng hàm số, sử dụng tích phân để làm gì……….? Mà muốn sử dụng, bây giờ có vô số phần mềm và ứng dụng làm thay con người những tính toán đó.Bạn có định tự kéo cày trong khi nhà có trâu và có máy? Người ta hay nhắc bạn tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, nhưng không ai nhắc bạn tiết kiệm tài nguyên não của chính bạn.

4. Để học giỏi ở Việt Nam, ít nhiều bạn bị mất một chút tự do, và buộc phải là bản sao tư duy của ai đó. Nói đến Tấm là phải ngoan hiền, nói đến Cám là phải gian ác, trong khi bạn đang nghĩ đến điều ngược lại, nhưng không được đâu, cô không thích điều này! Bạn chưa hiểu, bạn cần học lại, học kỹ hơn, không được, lớp cần 90% học sinh giỏi, chỉ tiêu chỉ được 10% học sinh khá, và tuyệt nhiên không được ai ở lại lớp. Bạn cần phải là một bông hoa đẹp trong vườn hoa toàn Học sinh Giỏi của cả lớp, của trường, trong cánh rừng học sinh giỏi của Thành phố. Việc chấp nhận mất tự do tư duy từ nhỏ trong học đường làm cho bạn dễ chấp nhận hơn với việc mất tự do trong cuộc sống sau này.
5. Để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị mẻ, bị nứt, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ và non nớt, vì thế nên bạn cần đi học để trưởng thành lên theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2, nhất định phải là số 1, và họ thi nhau chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề mà chính bạn cũng không thể biết được đâu là tới hạn. Đến khi bạn kém giao tiếp, ứng xử lúng túng, không biểu đạt ngay cả những gì mình muốn nói, không tự tin giữa đám đông chỉ vì ngoài giờ học bạn không còn người bạn thân nào hơn Facebook, Zalo và máy tính và điện thoại, không có thời gian để quan sát cuộc sống tươi đẹp xung quanh. Coi chừng! Rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen Học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ của bạn.


Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn tai hại giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga "Tương Lai Hạnh Phúc" thế là cứ cố nhồi con học cho đến khi họ nhận ra sự thật bẽ bàng: học giỏi mà không hạnh phúc thì còn bất hạnh hơn học dốt mà biết cái gì là tốt.
Vấn đề không nằm ở Bộ Giáo dục, mà nằm ngay trong chính tâm thức mỗi ông bố bà mẹ: có dám để cho con mình học dốt - học theo đúng năng lực của mình hay không, hay sợ dư luận chê cười? Sợ đến chết!
Ăn thì phải no, học thì phải giỏi, yêu là phải cưới, cưới là phải sinh con, sinh con thì con cũng phải học giỏi, học giỏi là phải trường chuyên, trường chuyên nhưng còn phải lớp xịn, lớp xịn là phải đỗ đại học, đại học là phải top đầu, top đầu là phải……không thất nghiệp, và không thất nghiệp…..rất có thể phải “chạy” – điều mà những người Giỏi thực sự không bao giờ làm.
Bên cạnh quyền được Khổ, quyền được Dốt cũng là một trong những quyền của học sinh đang bị phụ huynh Việt xâm phạm thô bạo.

Nếu con bạn là cây Tùng xin đừng trồng trong chậu, chăng đủ thứ đồ trang trí lên và gọi nó là cây Thông Noel.
Thôi thì, thà dốt theo cách của mình còn hơn giỏi theo cách của cả lớp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét